Chiều ngày 16/7/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức họp Ban Chỉ đạo của Học viện về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia(Ban Chỉ đạo 57 Học viện). GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì cuộc họp.
Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Học viện. Về phía khách mời có đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT; đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì cuộc họp
Tại Hội nghị, PGS,TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, công bố Quyết định của Giám đốc Học viện về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW gồm 25 đồng chí, trong đó GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng ban (danh sách chi tiết các thành viên Ban Chỉ đạo 57 Học viện tại file đính kèm).
Báo cáo việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Học viện, PGS,TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số - đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo 57 Học vện cho biết, Trung tâm đã xây dựng các dự thảo quan trọng gồm: Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW tại Học viện. Các văn bản này đã được gửi tới thành viên Ban Chỉ đạo thông qua hệ thống họp thông minh và phần mềm điều hành tác nghiệp nhằm bảo đảm phương thức làm việc hiện đại, linh hoạt, minh bạch và hiệu quả.
Dự thảo Quy chế làm việc xác định rõ nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị. Phân công nhiệm vụ được thực hiện cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm với vị trí công tác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Kế hoạch hành động tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện, đồng thời cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ, hướng tới xây dựng Học viện trở thành cơ quan tiên phong trong nghiên cứu, đào tạo, tham mưu chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Quang cảnh Hội nghị
Với tư cách đại diện doanh nghiệp công nghệ, đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT trân trọng cảm ơn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia và đồng hành trong Liên minh AI Âu Lạc – một sáng kiến chiến lược với mục đích phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có khả năng xử lý tiếng Việt chính xác, tự nhiên, phù hợp với văn hóa và bản sắc Việt Nam, từ đó nâng cao dân trí và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Theo đồng chí, sự tham gia chủ động, trách nhiệm của Học viện không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của một cơ quan lý luận chính trị hàng đầu mà còn góp phần xây dựng nền tảng dữ liệu lớn, phục vụ phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực.
Đồng chí Trương Gia Bình nhấn mạnh: lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của lòng quả cảm, kiên cường vượt qua muôn vàn thử thách. Ngày nay, trong kỷ nguyên số, với kho dữ liệu ngày càng phong phú, vị trí địa chính trị chiến lược, quan hệ đối ngoại rộng mở và tiềm lực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để vươn lên mạnh mẽ, nếu biết tận dụng và phát huy hiệu quả các cơ hội đang hiện hữu.
Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ, đồng chí Trương Gia Bình khẳng định: giáo dục chính là yếu tố then chốt để chuyển hóa tiềm năng thành động lực phát triển. Trí tuệ nhân tạo phải trở thành công cụ phục vụ nhân dân, góp phần bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người thông qua các ứng dụng trong học tập, lao động và đánh giá kết quả công việc. Đồng chí cũng chia sẻ định hướng chiến lược của FPT trong việc tích hợp các nội dung chuyển đổi số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo lãnh đạo các cấp, nhằm tối đa hóa tiềm năng con người, thúc đẩy năng lực điều hành và quản trị quốc gia trên nền tảng số.
Khẳng định niềm tin vào vai trò tiên phong của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Gia Bình cam kết, FPT sẽ tiếp tục đồng hành toàn diện với Học viện trong tiến trình triển khai chuyển đổi số, từ tư vấn chiến lược, xây dựng phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực đến hoàn thiện hệ sinh thái số đặc thù phục vụ đào tạo, nghiên cứu và quản lý, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Học viện trở thành trung tâm trí tuệ quốc gia trong thời đại mới.
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại cuộc họp
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại cuộc họp
Đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT phát biểu tại cuộc họp
Tại Hội nghị, các ý kiến từ các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cao với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện. Các đại biểu khẳng định: chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, cần bắt đầu từ đổi mới nhận thức, hoàn thiện cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, bài bản.
Các đại biểu cũng chỉ ra một số rào cản trong chuyển đổi số như: nhận thức chưa thống nhất, công nghệ phân tán, thiếu nền tảng tích hợp, nhân lực công nghệ thông tin còn mỏng, dữ liệu chưa tập trung, còn phân mảnh và thiếu sự liên thông giữa các đơn vị. Để khắc phục, cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên trước mắt, xây dựng lộ trình triển khai phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân sự và dữ liệu.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp công nghệ trong việc thiết kế tổng thể, hỗ trợ kỹ thuật, tích hợp dữ liệu và truyền thông nâng cao nhận thức. Đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, phân công rõ trách nhiệm trong từng khâu, đồng thời thúc đẩy mô hình "Học viện thông minh".
TS Trương Công Đắc, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Học viện phát biểu tại cuộc họp
Đại biểu tham luận tại cuộc họp
Đại biểu tham dự cuộc họp
Phát biểu tại Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là bước đi chiến lược nhằm khẳng định vai trò tiên phong của Học viện trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển khoa học – công nghệ, gắn với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và Nhà nước.
Đồng chí khẳng định rõ, chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu công nghệ, mà còn là yêu cầu chính trị cấp bách đối với toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Học viện phải giữ vai trò hạt nhân đi đầu. Đây là cam kết chính trị mạnh mẽ thể hiện trách nhiệm nêu gương, ý chí đổi mới và tinh thần dấn thân vì sự nghiệp chung của Đảng.
Trên tinh thần đó, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu toàn hệ thống Học viện xác định rõ lộ trình, từng nhiệm vụ, từng con người, từng nguồn lực cho từng phần việc cụ thể. Những nhiệm vụ lớn phải có sự phân công rõ ràng, gắn với trách nhiệm tham mưu của đơn vị chuyên môn và sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Lãnh đạo Học viện. Trong đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp không thể tách rời công tác đào tạo, bồi dưỡng và quản lý người học. Hệ thống Cổng thông tin điện tử Học viện cần được thiết kế theo hướng mở, liên thông, kết nối đồng bộ với các nền tảng trong và ngoài Học viện. Quá trình xử lý hạ tầng số và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) phải luôn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.
Về định hướng đầu tư, đồng chí chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phần cứng, nhưng nhấn mạnh trọng tâm cần chuyển mạnh sang đầu tư cho các phần mềm tích hợp dữ liệu dùng chung. Các cơ sở dữ liệu về luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, báo chí – truyền thông… cần được số hóa toàn diện, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chuẩn hóa theo hệ thống.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các phần mềm hiện có, đề xuất nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với chức năng – nhiệm vụ từng đơn vị. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được đặt lên hàng đầu, tiếp đến là quản lý khoa học và định hướng hoạt động số hóa theo lộ trình. Hạ tầng kỹ thuật phải đồng bộ, linh hoạt và phục vụ tối ưu cho yêu cầu phát triển.
Đồng chí cũng đề nghị FPT tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng và nâng cấp các phần mềm phục vụ công tác quản lý, đào tạo, điều hành, góp phần đưa Học viện trở thành trung tâm hàng đầu về đào tạo cán bộ chất lượng cao, thích ứng với môi trường số.
Về tổ chức thực hiện, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ: Ban Chỉ đạo sẽ họp định kỳ mỗi tháng một lần vào đầu tháng. Toàn bộ tiến độ công việc phải được đưa vào hệ thống giám sát, bảo đảm kịp thời điều phối và xử lý vướng mắc. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả hàng tuần gửi Ban Giám đốc Học viện thông qua Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số – đơn vị chịu trách nhiệm giám sát chung. Văn phòng Học viện phối hợp với Trung tâm tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Giám đốc, xây dựng thành Thông báo kết luận chính thức sau mỗi phiên họp.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng kêu gọi tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa từ mỗi cán bộ, giảng viên, đơn vị chức năng trong toàn Học viện, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra, tạo nên đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ và kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số.
MT; HG